QUAN HỆ VIỆT NAM – VƯƠNG QUỐC BỈ:
1. Quan hệ chính trị:
Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ Ngoại giao ngày 22/3/1973. Bỉ mở sứ quán tại Hà Nội tháng 11/1975; cử Đại sứ thường trú tháng 6/1976. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bruxelles tháng 01/1991.
Bỉ có Lãnh sự danh dự tại TP. HCM. Tháng 3/2005, Việt Nam đã khai trương văn phòng Lãnh sự danh dự tại tỉnh Anvers.
Đoàn ra:
- Tháng 2/1995 : Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh;
- Tháng 4/1998 : Thủ tướng Phan Văn Khải;
- Tháng 9/2002 : Thủ tướng Phan Văn Khải;
- Tháng 9/2006 : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Bỉ nhân dịp dự ASEM 6;
- Tháng 9/2008 : Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm;
- Tháng 9/2008 : Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm làm việc;
- Tháng 7/2010 : Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng thăm kết hợp làm việc với Nghị viện châu Âu;
- Tháng 10/2010 : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Bỉ Yves Leterme bên lề ASEM-8 tại Brussels (10/2010) ;
- Tháng 6/2011: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Steven Vanackère bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEM FMM-10 tại Budapest (6/2011);
- Tháng 12/2011 : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Bỉ.
Đoàn vào:
- Tháng 12/1994 : Thái tử Bỉ Philippe cùng đoàn doanh nghiệp;
- Tháng 02/1996 : Thủ tướng Jean Luc Dehaene;
- Tháng 11/1997 : Thủ tướng Jean Luc Dehaene dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 7 tại Hà Nội;
- Tháng 7/2001 : Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Louis Michel;
- Tháng 1/2002 : Bộ trưởng Bộ Quốc phòng André Flahaut;
- Tháng 10/2003 : Thái tử Bỉ Philippe cùng đoàn doanh nghiệp;
- Tháng 12/2003 : Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Marc Verwillghen;
- Tháng 6/2008 : Bộ trưởng Ngoại giao Karel De Gucht;
- Tháng 8/2009 : Bộ trưởng Ngoại giao Yves Leterme;
- Tháng 4/2010 : Chủ tịch Hạ viện Patrick Dewael;
- Tháng 5/2011 : Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Cải cách Thể chế Didier Reynders dự Hội nghị Thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB);
- Tháng 02/2012 : Chủ tịch Nghị viện Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles) Jean-Charles Luperto;
- Tháng 3/2012 : Thái tử Bỉ Philippe cùng đoàn doanh nghiệp.
2. Quan hệ hợp tác kinh tế:
a. Thương mại:
Giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh, ổn định, từ 395,4 triệu USD năm 2000 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2010. Việt Nam liên tục xuất siêu khá lớn trong giai đoạn này. Trong giai đoạn hiện nay, tuy chịu tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng kim ngạch hai chiều năm 2011 vẫn đạt 1,6 tỷ USD (3 tháng đầu năm 2012 đạt 340 triệu USD).
Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu). Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, túi xách. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn. Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược. Bỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU và thứ 3 châu Âu (sau Nga và Ucraina) về sắt thép; là thị trường lớn thứ 4 trong EU về máy móc thiết bị và phụ tùng.
Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flamand và Bruxelles được tăng cường và mở rộng.
b. Đầu tư:
Việt Nam và Bỉ ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ngày 24/1/1991.
- Đầu tư (FDI) của Bỉ vào Việt Nam: Tính đến tháng 11/2011, Bỉ có 42 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 107 triệu USD, đứng thứ 37/92 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện 61 triệu USD. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (21 dự án với 66,1 triệu USD, chiếm 50% số dự án và 61,2% tổng vốn đầu tư của Bỉ). Các dự án chủ yếu là 100% vốn với quy mô tương đối nhỏ (trung bình 2,6 triệu USD/dự án so với mức trung bình cả nước là 15,6 triệu USD/dự án). Hiện Bỉ có một số dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD là: (i) Dự án sản xuất sản phầm từ plastic, kim loại và đóng gói sản phẩm nước tại Bắc Ninh (Asia Packaging Industries Vietnam), tổng vốn đầu tư là 24 triệu USD; (ii) Dự án cấp nước sạch tại Khu Công nghiệp Đình Vũ (19 triệu USD và dự kiến tăng thêm 80 triệu USD cho giai đoạn 2); (iii) Dự án sản xuất giấy dính cao cấp tại Bình Thuận (Vinateck) với tổng vốn là 19 triệu USD; (i) Dự án trồng và chế biến chè Phú Bền (Phú Thọ) 13 triệu USD của 2 công ty Sea holding và SA Sipef. Bỉ tập trung đầu tư vào 13 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư thu hút; Tp. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được số lượng dự án nhiều nhất.
- Đầu tư của Việt Nam sang Bỉ: Hiện Việt Nam mới có 2 dự án là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Bruxelles (152.000 USD) và dự án Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Thủy sản châu Âu (90.000 USD).
Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Bỉ về Hợp tác Kinh tế lần 1 được tổ chức ngày 22/6/2011 tại Hà Nội. Đây là bước triển khai thỏa thuận giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ (tháng 8/2009). Đây sẽ là cơ chế trao đổi cấp Chính phủ về các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước.
3. Hợp tác phát triển:
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977 nhưng bị gián đoạn từ năm 1979 đến 1989. Trong năm 1992, quan hệ hợp tác phát triển chính thức được nối lại. Hiện Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ.
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ được thực hiện qua rất nhiều nguồn. Ngoài quan hệ hợp tác chính thức với Chính phủ Liên bang, Việt Nam cũng đang nhận được viện trợ không hoàn lại của các Cộng đồng, các vùng của Bỉ (Vùng Wallonie, Vùng Thủ đô Bruxelles và Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ, Vùng Flamand và Cộng đồng nói tiếng Hà Lan) và các tổ chức Bỉ như: Văn phòng Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Flamand (VVOB), Hội đồng liên trường đại học vùng Flamand (VLIR), Tổ chức Khuyến học và Đào tạo tại nước ngoài (APEFE), các tổ chức phi chính phủ (NGOs)...
Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%):
- Viện trợ không hoàn lại trong khuôn khổ song phương: 170 triệu Euro (số liệu cam kết trong các năm gần đây: giai đoạn 2001-2005: 19 triệu Euro; giai đoạn 2007-2010: 37,5 triệu Euro; giai đoạn 2011-2015: 60 triệu Euro).
- Viện trợ thông qua hợp tác vùng và NGOs, các trường đại học...: 20 triệu Euro.
- Vay ưu đãi, đến nay, tổng giái trị vốn vay ưu đãi của Chính phủ Bỉ đã giải ngân cho Việt Nam đạt khoảng 66 triệu Euro cho 11 dự án.
Các chương trình hợp tác tập trung vào 5 lĩnh vực gồm: (1) quản lý nguồn nước, cấp thoát nước, thủy lợi và xử lý rác thải (chiếm 55-60%); (2) quản lý nhà nước, tăng cường thể chế, cải cách hành chính và giáo dục (chiếm 30-35%); (3) nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, học bổng... ( chiếm 5-10%). Chương trình hợp tác được thực hiện dựa trên các thỏa thuận ký kết tại các kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp vào các năm 2000, 2003, 2007, 2011.
Viện trợ của Bỉ cho Việt Nam giai đoạn 2007-2010 trị giá 37,5 triệu euro, ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bỉ đã triển khai trong khuôn khổ Chương trình định hướng hợp tác Việt – Bỉ (ICP) giai đoạn 2007 – 2010 20 dự án hợp tác với quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các địa phương và tương đối hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và tăng cường năng lực tại các địa phương và lĩnh vực có dự án.
Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Bỉ về Hợp tác Phát triển lần 6 đã họp ngày 21/6/2011 tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, hai bên đã ký ICP cho giai đoạn 2011 – 2015, theo đó Chính phủ Bỉ viện trợ 60 triệu euro ODA không hoàn lại cho Việt Nam trong 5 năm tới. Các dự án tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên là chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ khu vực tư nhân, đô thị hóa và biến đổi khí hậu và được thực hiện chủ yếu tại 3 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và Hà Tĩnh.
4. Khoa học - Kỹ thuật:
Tháng 9/2002, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Bỉ ký Hiệp định hợp tác Khoa học - Công nghệ. Sau 3 khóa họp của Ủy ban hỗn hợp Việt – Bỉ về hợp tác Khoa học Công nghệ (kỳ họp thứ 3 đã diễn ra 2/3/2009), hiện có 18 dự án nghiên cứu (8 triệu USD) đã và đang được triển khai dưới các hình thức hợp tác ưu tiên như hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, triển khai các chương trình nghiên cứu chung.
Vùng Flamand là vùng phát triển mạnh nhất của Bỉ về nghiên cứu vật liệu mới, nuôi trồng thủy sản bền vững, công nghệ thông tin và chế phẩm y học. Năm 2007, nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp, Khoa học, Đổi mới và Thương mại vùng Flamand, hai nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực này.
5. Giáo dục - đào tạo:
Từ năm 2003, Chính phủ Bỉ đã khôi phục lại chương trình cấp học bổng đào tạo sau đại học cho Việt Nam. Hiện nay, trung bình mỗi năm Bỉ cấp 40 suất học bổng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo của Bỉ. Số lượng sinh viên nhận học bổng của Bỉ ngày càng tăng, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như cầu cảng, môi trường, du lịch…
Hợp tác theo đường Chính phủ liên bang: 2 dự án là “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học và THCS 14 tỉnh miền núi phía Bắc (4 triệu Euro, kết thúc ngày 23/6/2010) và “Quỹ hỗ trợ đào tạo Việt – Bỉ (1 triệu euro) giúp các cơ sở đào tạo của Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên đề giúp những đối tượng ở các vùng khó khăn cập nhật kiến thức cần thiết.
Hợp tác với cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp: các dự án về ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, tập trung ở nhiều trường đại học như ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mở Tp. HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Xây dựng…
Hợp tác với cộng đồng người Bỉ nói tiếng Hà Lan: Hiện Bộ GD-ĐT đang thảo luận để ký MOU hợp tác trong Chương trình giáo dục cơ bản tại 5 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi) với Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật Cộng đồng Flamand của Bỉ (VVOB).
6. Văn hóa:
Bỉ và Việt Nam thường xuyên trao đổi các đoàn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, tuần lễ phim. Tháng 9/2001, Việt Nam đã tổ chức thành công tuần lễ văn hoá Việt Nam tại Bỉ. Từ tháng 9/2003 đã diễn ra cuộc triển lãm "Việt Nam - quá khứ và đương đại" (kéo dài 6 tháng). Tháng 9/2006, Những ngày văn hoá Việt Nam tại Bỉ đã được tổ chức chu đáo, trọng thể rất nhiều hoạt động văn hoá, thương mại quảng bá cho Việt Nam. Hai nước đã phối hợp tổ chức thành công “Những ngày Việt Nam” tại Bỉ vào đầu tháng 9/2010. Trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Pháp ngữ lần thứ 26 tại Bỉ (04-08/10/2011), hai bên đã phối hợp tổ chức “Tuần lễ Điện ảnh Việt Nam tại Bỉ” tại thủ đô Bruxelles và tại thành phố Namur.
7. Hợp tác Quốc phòng:
Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước diễn ra trên các lĩnh vực: xử lý bom mìn, quân y, khoa học kỹ thuật quân sự, trao đổi và đào tạo học viên quân sự. Hai bên đã ký Thỏa thuận khung về mối quan hệ và hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng (trao đổi các đoàn quân sự, trao đổi thông tin liên quan đến chính sách quốc phòng, giúp đào tạo, huấn luyện quân sự và thể thao quân sự, hợp tác quân y). Việt Nam đã cử Tùy viên quân sự tại Pháp kiêm nhiệm Bỉ và Bỉ cũng đã có tùy viên quân sự tại Việt Nam, tuy nhiên Phòng Tùy viên quân sự Bỉ tại Hà Nội đã đóng cửa ngày 30/6/2010 vì lý do ngân sách. Quan hệ quốc phòng với Bỉ trong thời gian qua không có chuyển biến. Hai bên không thực hiện hoạt động nào trong những năm gần đây.
QUAN HỆ VIỆT NAM – ĐẠI CÔNG QUỐC LÚC-XĂM-BUA:
1. Quan hệ chính trị:
Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở Luxembourg có “Uỷ ban ủng hộ Việt Nam” do Đảng Cộng sản làm nòng cốt. Luxembourg ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 – 2009 và đã đề nghị Việt Nam ủng hộ Luxembourg ứng cử vào vị trí này nhiệm kỳ 2013 – 2014.
Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg. Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Luxembourg mở Văn phòng Hợp tác Phát triển tại Hà Nội.
Đoàn ra:
- Tháng 4/1994: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm;
- Tháng 5/1995: Thủ tướng Võ Văn Kiệt;
- Tháng 9/2002: Thủ tướng Phan Văn Khải;
- Tháng 5/2003: Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị;
- Tháng 9/2010: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu;
- Tháng 02/2011: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng.
Đoàn vào:
- Tháng 3/1994: Bộ trưởng Kinh tế Robert Gebbels;
- Tháng 11/1995: Đại Công tước kế vị Henri;
- Tháng 3/1996: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jacques Poos;
- Tháng 12/1999: Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Charles Goerens;
- Tháng 10/2000: Thủ tướng Jean-Claude Juncker;
- Tháng 10/2002: Bộ trưởng Văn hóa, Đại học và Nghiên cứu Erna Hennicot-Schoepges;
- Tháng 02/2004: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lydie Polfer;
- Tháng 12/2008: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Jean Asselborn;
- Tháng 3/2011: Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và các Hoạt động Nhân đạo Marie-Josée Jacobs;
- Tháng 11/2011: Đại Công tước Henri thăm Việt Nam.
2. Quan hệ hợp tác kinh tế:
Tính đến tháng 8/2011, Luxembourg có 20 dự án đầu tư với tổng số vốn là 1,1 tỷ USD (đứng thứ 21/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam), tập trung vào một số lĩnh vực: công nghiệp xây dựng (sản xuất đá granit, thiết bị vệ sinh…), công nghiệp chế biến thực phẩm (sản xuất kẹo, chocolat, cà chua cô đặc…), thông tin truyền thông và công nghệ cao (phát triển phần mềm). Quy mô bình quân vốn đầu tư đạt gần 61 triệu USD/dự án, tương đối cao so với các nước khác. Hiện Luxembourg có 2 dự án lớn là Phát triển mạng điện thoại di động (656 triệu USD) và dự án Xây dựng và kinh doanh tổ hợp văn phòng, căn hộ 65 tầng (114 triệu USD).
Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 5-6 triệu USD/năm trong giai đoạn trước nhưng tăng mạnh năm 2010 đạt 26,4 triệu USD, năm 2011 đạt gần 37 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 8,5 triệu USD. Hàng xuất của Việt Nam là sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ. Việt Nam nhập sắt thép, nguyên liệu da và nguyên liệu thuốc lá.
3. Hợp tác phát triển:
Sau khi bắt đầu chính thức viện trợ cho ta từ năm 1993, Luxembourg cam kết tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam và trở thành thành viên chính thức của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 1998. Tháng 3/1999, Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg đề ra “Chiến lược hợp tác phát triển giữa Đại Công quốc Luxembourg và Việt Nam”, khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu châu Á và là một trong 10 nước trọng điểm trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Luxembourg. Trước năm 2002, mỗi năm Luxembourg viện trợ không hoàn lại cho ta khoảng 5 – 6 triệu Euro/năm. Trong chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 9/2002, hai nước đã ký Hiệp định khung hợp tác mới thay thế cho Hiệp định năm 1995, ký Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002 – 2005 theo đó Luxembourg tài trợ cho Việt Nam 35 triệu Euro giai đoạn 2002 – 2005. Ngày 8/3/2006, Việt Nam và Luxembourg đã ký chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2006 – 2010, theo đó Luxembourg cam kết tài trợ cho ta 50 triệu Euro. Ngày 02/3/2011, hai bên ký Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2011 – 2015 tại Hà Nội; Luxembourg cam kết tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 42 triệu Euro.
Viện trợ của Luxembourg tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển nông thôn, y tế, đào tạo (du lịch, tài chính và ngân hàng). Bên cạnh đó còn có một số dự án hợp tác 3 bên Luxembourg - Việt Nam - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)/Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) về chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình.
Một số chương trình dự án tiêu biểu là: Dự án Cung cấp dây chuyền lạnh trong lĩnh vực y tế giúp bảo quản và vận chuyển vắc-xin và máu xuống địa phương; Dự án Phát triển dịch vụ y tế Hưng Yên; Dự án Đào tạo nghiệp vụ du lịch; các Dự án phát triển nông thôn và môi trường tại Nghệ An, Nam Định; Cao Bằng, Bắc Kạn… Dự án Đào tạo cán bộ Ngân hàng – Tài chính.
Hiện nay tại Hà Nội đã có Văn phòng đại diện của Cơ quan thực hiện các dự án hợp tác phát triển gọi là Lux – Development (đây là một công ty được Chính phủ Luxembourg uỷ quyền thực hiện các dự án do Luxembourg tài trợ). Tháng 8/2003, Luxembourg đã mở Văn phòng hợp tác phát triển tại Hà Nội. Văn phòng này là cơ quan quản lý và thực thi chính sách, trực thuộc Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan, kiêm nhiệm Việt Nam.
4. Hợp tác văn hóa:
Hợp tác văn hoá giữa hai nước trong thời gian qua đã có những bước phát triển mới, cụ thể là hai bên đã phối hợp tổ chức Những ngày văn hoá Việt Nam tại Luxembourg và Triển lãm tranh Luxembourg tại Việt Nam vào tháng 10/2002. Nhân dịp này, Bộ trưởng Văn hoá Luxembourg Erna Hennicot-Schoepges đã thăm Việt Nam. Tháng 5/2003, Bộ trưởng Văn hoá Phạm Quang Nghị đã thăm Luxembourg và ký Hiệp định hợp tác Văn hoá, Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao. Cuối tháng 9/2006, Việt Nam tổ chức “Những ngày văn hoá Việt Nam tại Luxembourg”
QUAN HỆ VIỆT NAM – EU:
1990: Việt Nam và Cộng đồng châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.1992: Việt Nam và Cộng đồng châu Âu ký Hiệp định dệt may.
1995: Việt Nam và Cộng đồng châu Âu ký Hiệp định Khung Hợp tác Việt Nam - EC.
1996: Ủy ban châu Âu thành lập Phái đoàn Đại diện thường trực tại Việt Nam.
1997: Việt Nam tham gia Hiệp định hợp tác ASEAN – EU.
2003: Việt Nam và EU chính thức tiến hành đối thoại nhân quyền.
2004: Hội nghị Cấp cao Việt Nam - EU lần thứ I tại Hà Nội.
2005: Việt Nam thông qua Đề án tổng thể và Chương trình hành động đến 2010 và định hướng tới 2015 về quan hệ Việt Nam - EU
2007: Tuyên bố chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA).
2008: Đàm phán Hiệp định PCA Việt Nam - EU
2010: Ký tắt Hiệp định PCA Việt Nam - EU.
Hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28-11-1990. Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn Đại diện thường trực tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA):
Quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng cả về bề rộng lẫn chiều sâu đặt ra yêu cầu xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới, phản ánh được mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ và xây dựng khuôn khổ pháp lý mới thay thế cho Hiệp định khung Việt Nam - EC năm 1995. Trên tinh thần đó, tháng 6/2008, Việt Nam và EU đã khởi động đàm phán Hiệp định PCA. Sau 9 vòng đàm phán (từ 6/2008 đến 10/2010), ngày 4/10/2010, Hiệp định PCA đã được ký tắt bên lề Hội nghị ASEM-8 tại Bỉ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Barroso. PCA giữa Việt Nam và EU đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hợp tác hai bên, thể hiện những bước phát triển to lớn, sâu rộng của quan hệ Việt Nam - EU trong 20 năm qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ hợp tác Việt Nam –EU bước sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn. Hiện nay hai bên đang chuẩn bị để ký chính thức Hiệp định.
I. Chính trị:
1.1. Tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao:
Lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng quan hệ song phương, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên, thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và thăm viếng lẫn nhau, trong đó có nhiều chuyến thăm Cấp cao.
1.2. Cơ chế đối thoại, hợp tác: Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – EC (UBHH) (theo Hiệp định khung 1995): Cơ cấu tổ chức UBHH bao gồm:
- Tổ công tác Việt Nam – EU về Thương mại và đầu tư.
- Tổ công tác Việt Nam – EU về Hợp tác phát triển.
- Tiểu ban Việt Nam – EC về xây dựng Thể chế, Cải cách Hành chính, Quản trị và Nhân quyền.
- Tiểu ban Việt Nam – EC về Khoa học và Công nghệ.
1.3 Hợp tác trong các diễn đàn đa phương và khu vực
Bên cạnh quan hệ song phương, Việt Nam và EU cũng hợp tác tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN – EU, ASEM và Liên hợp quốc trong nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh năng lượng, chống khủng bố...
II. Kinh tế:
EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20% năm, Về đầu tư, hầu hết các nước thành viên và các tập đoàn lớn của EU đã đầu tư vào Việt Nam.
Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU. Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong giai đoạn 2000 - 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 4,3 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 17,75 tỷ USD năm 2010 (và khoảng 24,29 tỷ USD năm 2011). EU là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Việt Nam nhập từ EU chủ yếu là các loại máy móc thiết bị, tân dược, hóa chất, phương tiện vận tải.
Về đầu tư: Tính đến hết năm 2010, EU có 1544 dự án với tổng vốn đăng ký là 31,32 tỷ USD trong đó vốn thực hiện đạt 12,4 tỷ USD. Các dự án của EU được triển khai trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam và EU có thế mạnh như công nghiệp, chế biến, khách sạn, nhà hàng, du lịch và tài chính ngân hàng, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới hơn 50% số dự án và khoảng 59% tổng vốn đầu tư.
Hợp tác phát triển (ODA): Hiện EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1996-2010 là hơn 11 tỷ USD, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. EU cam kết khoảng 1,01 tỷ USD cho năm 2012, tương đương 13,24% tổng cam kết viện trợ nước ngoài. Tài trợ không hoàn lại chiếm 32,5% (khoảng 324,05 triệu USD).
Hợp tác chuyên ngành, EC và các nước thành viên EU cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và EU có thế mạnh như: hỗ trợ thế chế, khoa học công nghệ, giáo dục, pháp luật, y tế, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, văn hóa và du lịch ...